Sâm Ngọc Linh giả - thật lẫn lộn
Sâm Ngọc Linh giả - thật lẫn lộn
Cách phân biệt Sâm Ngọc Linh thật và Sâm Ngọc Linh giả bằng kinh nghiệm
Sâm Ngọc Linh tự nhiên có hai loại hình dáng khác nhau do quá trình nảy mầm mà sinh sống khác nhau. Người dùng nên tinh ý khi mua.
1. Quả Sâm Ngọc Linh chín vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm, lúc đó có các trận mưa cuối mùa cuốn hạt trôi nổi theo dòng nước.
Các hạt có may mắn dạt vào hai bên hồ suối có tầng lá mục dày có lẫn phù sa mầu mỡ, với nhiệt độ thích hợp 16-20 độ , độ cao so với mặt biển từ 1600- 1800m trở lên. Độ che phủ ánh sáng 80% đến 90%, độ ẩm cao,... Tất cả điều kiện sinh thái thích hợp, cây Sâm Ngọc Linh cho loại củ to, có đường kính tới 4-5cm. những củ lâu năm nặng tới hàng kg.
Loại Sâm này không thể làm giả từ các cây cỏ khác.
2. Những hạt Sâm không có may mắn như trên, phải bám vào các hòn đá ghềnh có rêu phủ, bên cạnh bờ suối hoặc ở giữa dòng suối. Khi mọc, mặc dù có nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm v.v .. thích hợp để có thể nảy mầm thành cây cũng sống nhiều năm, mỗi năm cho một đốt, nhưng thiếu ăn, “suy dinh dưỡng” có thân rễ Sâm nhỏ, đường kính thường chỉ trên dưới 1cm và kéo dài đều đặn như một đoạn trúc khẳng khiu.
Chính loại này đã bị trà trộn một loại Ráy rừng để làm giả. ( Hoặc cần phân biệt thêm với Sâm Vũ Diệp, Tam thất Hoang, củ ráy, sâm Kim Bình, thất diệp nhất chi hoa.)
Vậy khi mua Sâm tự nhiên phải đặc biệt chú ý loại Sâm dài khẳng khiu này. Nếu nghi ngờ, xin lấy dao lam cắt ngang củ Sâm ( thân rễ) thành từng lát mỏng. Lát đó có hình tương đối tròn, phần giữa có màu hồng tươi hoặc trắng nhạt mịn màng, không có sợi xơ (xenlulo ). Sau đó thấy xuất hiện một vòng nhựa trắng dưới lớp biểu bì (Sâm thật không có vòng nhựa này). Đích thị đó là loại Sâm giả và chớ nên nhấm thử sẽ bị ngứa hoặc rát đầu lưỡi.
Nhìn kỹ thấy màu sắc bên ngoài hơi nhạt hơn so với sâm ngọc linh, mắt thẳng hàng không so le, không mùi và không có vị đắng đặc trưng, …
Sâm tự nhiên thường nhiều mắt, mắt lõm so le, khi cắt lát phần củ có màu vàng nhạt, phần thân hơi tím hoặc xám nhạt ( màu sắc phần lớn phụ thuộc vị trí địa lý củ sâm: khí hậu, độ cao, độ che phủ … người lâu năm trong ngành nhìn củ sâm có thể biết nó được lấy vùng nào, độ cao bao nhiêu…). Vân lát cắt đều, có sợi xơ nhỏ, nếm có vị đắng, sau ngọt ( ngọt hậu ). Mùi đặc trưng của sâm ngọc linh mà bất cứ loại sâm nào cũng không thể có được nên người hiểu biết chỉ cần nếm là phân biệt được ngay.
Sâm trồng bán tự nhiên
Hiện nay, trên vùng núi Ngọc Linh còn một loại Sâm trồng bán tự nhiên.
Loại này có hình dạng đặc thù khác với Sâm tự nhiên. Chúng có kích thước và hình dáng khá đồng nhất, và khác với Sâm tự nhiên ở chỗ xung quanh các nốt sẹo do cây lụi theo mùa, còn có các khối u do rễ con phồng lên chứa chất dự trữ, nên loại sâm này nhiều rễ, ít mắt, phần củ to hơn phần thân.
Cách phân biệt Sâm Ngọc Linh thật và Sâm Ngọc Linh giả bằng các cơ sở khoa học:
Qua kiểm tra nhiều mẫu Sâm trồng và Sâm tự nhiên cho thấy Sâm tự nhiên có hàm lượng dược chất cao gấp 2-3 lần sâm trồng, đồng thời phát hiện được rất nhiều Sâm Ngọc Linh giả và kém chất lượng.
Để phận biệt sâm thật giả và chất lượng sâm cần phải kiểm nghiệm các kết quả sau :
- Định tính saponin toàn phần bằng phương pháp hóa học.
- Định tính hợp chất saponin toàn phần theo chuẩn MR2, G-Rg1, G-Rb1 bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng.
- Định lượng hợp chất saponin toàn phần theo chuẩn MR2 bằng phương pháp đo quang.
- Xác định hàm lượng MR2, G-Rg1, G-Rb1, G-Rd bằng phương pháp HPLC.
Hiện nay, có khoảng ba loại sâm Ngọc Linh được làm giả đã được phát hiện:
Loại giả thứ nhất cũng là giả cao cấp nhất là sử dụng một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). Hiện tại, chưa thể định danh được loài này, tạm gọi tên là sâm 1A.
Tuy nhiên, qua xét nghiệm DNA, đây rất có thể là một loài mới chưa từng công bố ở Việt Nam. DNA giống với sâm Ngọc Linh tới 97%.
Nếu người tiêu dùng mua phải loại này thì vẫn còn khá may mắn vì dù sao nó cũng chắc chắn không độc hại gì, hơn nữa loài này giống như sâm Ngọc Linh sát nhau về di truyền nên cũng có lợi cho sức khỏe.
Loại sâm giả thứ 2 là từ Tam thất hoang. Tuy cùng chi nhân sâm nhưng so với giá trị, tác dụng bồi bổ cơ thể kém hơn so với sâm Ngọc Linh và thậm chí cũng kém hơn so với loại giả 1A đã nói ở trên. Tam thất hoang là một trong những loại được dân buôn lựa chọn để làm nhái sâm Ngọc Linh nhiều nhất vì ngoại hình tương đối giống sâm Ngọc Linh.
Loại thứ 3 là sâm Ngọc Linh làm giả từ củ ráy, đây là loại cây thường mọc phổ biến ở vùng núi, nhiều nhất ở Tây Nguyên hoặc những vùng có khí hậu nóng ẩm. Nếu nhìn hình dạng thì cây ráy giống cây khoai môn, phần lá có dạng hình trái tim hơi dài, phần thân mỏng mềm, cao từ 30cm đến 1,5m. Phần rễ biến thành củ dài có nhiều đốt ngắn. Đây chính là phần được sử dụng để làm giả sâm Ngọc Linh.
Một cân củ ráy chỉ có giá 200 nghìn nhưng khi đưa vào xưởng sản xuất sâm giả, qua sơ chế hình dạng thì bán gấp hàng trăm lần. Những cơ sở sản xuất sâm Ngọc Linh giả thường lấy củ ráy về rửa sạch, luộc nhiều lần nước cho bớt chất ngứa và độc, đem phơi nắng cho ráo nước. Sau đó bỏ củ ráy vào dung dịch corticoid đậm đặc để qua đêm, hôm sau lại đem phơi dưới nắng.
Tiếp đó củ ráy được ngâm vào thứ nước hồng đẳng sâm. Ngâm và phơi một tuần thì sẽ thành Sâm Ngọc Linh giả. Nếu người dân mua phải loại này về ngâm rượu uống chưa biết tác hại của nó sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn nó không có tác dụng về bồi bổ cơ thể.
Ngoài ra hiện nay, ngoài hàng giả ra người tiêu dùng còn bị lừa là mua nhầm sâm đã bị rút ruột, mất hết dưỡng chất. Nhìn bề ngoài thì sâm thật nhưng thực chất đó chỉ là xác sâm. Sâm loại này đã bị ép nước lấy hết dưỡng chất chỉ còn lại xác sâm. Để lấy các hoạt chất có trong sâm, người trong nghề thường tìm mua một số loại máy quay ly tâm.
Theo đó, họ sẽ bỏ củ sâm vào máy quay này để lấy nước rồi tiến hành biện pháp làm cô đặc, bán cho các công ty dược. Xác củ sâm mặc dù đã bị lấy hết nước, nhưng hình dạng củ sâm không hề bị biến đổi mà chỉ nhẹ hơn. Vì muốn tiếp tục thu lời, không ít gian thương lấy xác nhân sâm khô ngâm vào dung dịch là tinh dầu, thậm chí là đường hóa học.
Với công nghệ tái chế thủ công này, sản phẩm nhân sâm sẽ nặng ký, có mùi thơm đặc trưng và vị ngọt giống như sâm thật. Khi sử dụng loại sâm này không những không có tác dụng mà ngược lại còn bị nhiễm độc hóa chất, nếu dùng lâu ngày sẽ rất có hại cho cơ thể như gây ngộ độc, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến ung thư.
Mong rằng qua bài viết này người tiêu dùng thông thái sẽ đưa ra sự chọn cho mình tốt nhất, mua đúng sản phẩm và đảm bảo chất lượng.